NGƯỜI GHÉP TRANH BẰNG VỎ ỐC

Tên anh là Lữ Ngọc Năm, sống trong một con hẻm nhỏ sau rạp chiếu bóng Cẩm Thanh (Hội An). Anh Lữ Ngọc Năm kể: “Con ốc ruốc (loại ốc nhỏ xíu chỉ xuất hiện ở Quảng Nam – Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế khi luộc chín, thịt thơm ngon, trở thành món ăn của vợ con anh cũng như nhiều người khác ở phố cổ. Thịt ốc bé xíu nên khi ăn phải mua cả một, hai lon sữa bò. Ăn xong, vỏ ốc vứt đi, trở thành vật phế thải”.

Đẹp quá những vỏ ốc!

Lữ Ngọc Năm nghĩ: “Thiên nhiên ban tặng cho con người loài ốc bé nhỏ nhưng óng ánh nhiều màu sắc, đẹp mắt như thế là để xem chứ đâu phải để bỏ đi”. Rồi anh thử chọn theo nhóm màu căn cứ trên các vỏ ốc. Hồng, vàng, xanh dương, nâu thẫm…là vốn mê tranh ảnh, nghệ thuật, Lữ Ngọc Năm quyết định dựa vào màu sắc của những vỏ ốc dễ thương mà thử ghép thành những bức tranh. Mùa ốc ruốc đầu tiên của năm 2003, anh bắt tay vào làm thử. Bức Chùa Cầu, tác phẩm đầu tay ra đời thành công ngoài sức tưởng tượng của anh. Vợ con xem xong đều vỗ tay chúc mừng. Mấy bác hàng xóm ghé chơi cũng gật gù tán thưởng. Thành công ban đầu càng cuốn hút Lữ Ngọc Năm vào nghệ thuật này. Và biến những vỏ ốc vô tri thành những bức tranh có hồn đã trở thành đam mê tự lúc nào đối với anh thầy thuốc Đông y có thâm niên hơn 20 năm trong nghề. Chính sự kiên trì, cẩn trọng của nghề thầy thuốc đã góp phần lớn cho sự thành công của anh. Đến nay, bộ sưu tập tranh ghép từ vỏ ốc của Lữ Ngọc Năm đã có hơn 60 bức với nhiều đề tài nhưng hầu hết là về đất và người Quảng Nam như Phố cổ Hội An, khu tháp Mỹ Sơn và cả về gia đình anh với người vợ hiền khả ái và năm cô con gái xinh đẹp.

Công phu thu nhặt vỏ ốc

60 tác phẩm đối với một tác giả của các loại tranh sơn dầu, sơn mài…chỉ là bộ sưu tập nhỏ. Nhưng 60 bức tranh ghép bằng vỏ ốc đối với Lữ Ngọc Năm là cả một công trình vĩ đại. Sau khi tìm được nguồn cung cấp, anh mang những vỏ ốc cho vào các bao nhựa loại 50 kg trở lên tận bờ kè Ngọc Thành (Cẩm Phô) thả ngâm dưới lòng sông 1 ngày 1 đêm. Hôm sau, anh lại cất công xả rửa cho kỳ hết chất bẩn trong ruột ốc. Sau đó, vỏ ốc được trải phơi nắng đúng 2 ngày nữa mới đem về nhà ủ tiếp cho đến khi không còn mùi hôi. Bây giờ, vỏ ốc được phân loại theo màu và theo cỡ, để riêng từng loại trước khi bắt tay vào sáng tác.

Một tác phẩm – một tháng trời

Dùng bút chì phác thảo trên vải hoặc trên gỗ xong, Lữ Ngọc Năm bắt đầu phết keo và tỉ mẩn ngày này qua ngày khác đính dán từng vỏ ốc bé tẹo cho đến khi thành bức tranh sống động. Thông thường phải mất nửa tháng hoặc hơn để hoàn thành một tác phẩm. Nhưng cũng có khi do quá say mê, hưng phấn, Lữ Ngọc Năm đã ngồi lì suốt ngày đêm để rồi mừng vui thành công chỉ sau 10 ngày sáng tạo. Anh Đăng Mai, một hàng xóm của Lữ Ngọc Năm vui miệng: “Có bữa sáng sớm đã thấy ảnh ngồi một mình bên ly cà phê làm tranh rồi, trưa thì quên cả cơm. Mà hay lắm nghe, bàn tay anh ấy như có phép màu. Mắt thì nhìn tranh, tay thì bốc vỏ ốc nhưng cái vỏ nào được đính vào vải cũng ngang ngang chiều cao để bề mặt bức tranh gần như phẳng chứ không lởm chởm. Hãy nhìn mái ngói của bức tranh Chùa Cầu xem, cũng ngói âm dương xếp đặt lớp lang và chạy xuôi theo mái dốc, sinh động vô cùng.

Anh Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm văn hoá Thể thao Hội An bảo “Tranh của anh Lữ Ngọc Năm rất độc đáo, dự báo cho một nghề mới để đưa vào phục vụ du lịch Hội An. Tết nguyên đán năm ngoái, chúng tôi đã mời anh Lữ Ngọc Năm đưa tranh ra triển lãm ở khu Công viên văn hoá Hội An để nhân dân cũng như du khách thưởng lãm. Ai xem cũng bất ngờ và khen ngợi”.

Lê Viết Hai

(Báo Người Lao động TP.HCM)