NGƯỜI PHỤC SINH CHO ỐC RUỐC

Ốc ruốc, món khoái khẩu của các bà, các cô, thường chỉ có trên các vùng biển duyên hải miền Trung, sau khi hiến tặng phần thân thể nhỏ bé, mặn mà vị biển tưởng thế là đã hoàn thành phận sự đơn giản của mình. Song, có một người ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) đã làm cho những chiếc vỏ ốc – thử tưởng đã vứt đi rồi, sống lại với một hình hài lung linh khác, đó là tranh ốc.

Người có khả năng làm nên cuộc “phục sinh” kỳ lạ này là ông Lữ Ngọc Năm – một “ông lang” hiền lành, sống bằng nghề châm cứu, bắt mạch, hốt thuốc – trong một con hẻm ở Hội An. Một ngày, ông ngồi nhìn mấy đứa nhỏ trong ngõ chơi cò vây bằng vỏ ốc ruốc, trong đầu ông chợi sáng lên một ý tưởng: những vỏ ốc nhiều mày này có thể làm chất liệu để tạo nên tranh, nếu thành công sẽ gọi nó là tranh ốc! Lòng háo hức nhưng hành động thì cẩn trọng, ông Năm lẳng lặng một mình thu nhặt vỏ ốc ruốc – thường chỉ kiếm được sau khi người ta “lể” xong. Phải mất nhiều ngày để có được vài lon vỏ ốc ruốc, nhưng ông Năm không nản, rồi ông lại một mình mang ốc ra sông, ngâm chà xát thật sạch. Để định hình cho tranh ốc, ông Năm phác thảo một bức đầu tiên (trên ván ép, sau này là trên vải tốt để có thể cuộn lại mang đi) về chùa Cầu, biểu tượng của Hội An, quê hương ông. Để biểu hiện nhiều gam màu sắc khác nhau, ông Năm chọn ra từng loại vỏ ốc có màu tương tự, ghép chúng lại với nhau trên cơ sở những phác thảo ban đầu. Nghĩa là những chiếc vỏ ốc ruốc phải sắp xếp cho ôm lưng nhau để mang lại kết cấu đều đặn, liên tục, từng mảng màu của ốc sẽ tạo nên đường nét của tranh.

Nếu ai từng tỉ mỉ khi mang ra vài chiếc vỏ ốc ruốc, đặt lên lòng bàn tay, sẽ thấy rằng thế giới tự nhiên có sức biểu hiện kỳ lạ mà con người khó lòng bắt chước. Những đường vân li ti trên vỏ ốc không chủ đạo một màu nào, tất cả chồng mờ lên nhau tạo nên một hỗn hợp màu sắc linh hoạt khó tả. nhưng khi đưa chiếc vỏ ốc ra ngoài xa tầm nhìn một chút, sẽ thấy có thể gọi tên được sắc màu của nó…Tranh ốc của ông Lữ Ngọc Năm là một kỳ công, phải lùi ra một quãng để xem mới không bị cảm giác “vỡ hạt”, nhưng lại phải lại gần hơn để thấy hết độ tinh vi khi mang ghép từng chiếc, từng chiếc nhỏ xíu với nhau…

(KIếN THứC NGÀY NAY – DOÃN THÀNH TRÍ)