KHI CÁI BỎ ĐI SỐNG LẠI

Gần tết, cứ chiều về, khu bãi rác ở Hội An lại xuất hiện một người đàn ông tìm mua vỏ ốc. Cái nắng vàng đầu xuân nôn nao không che được ánh mắt ngạc nhiên của vài người thu dọn vệ sinh. “ Ông mua làm gì nhiều thế?” Người đàn ông cười thật hiền rồi nói như buột miệng: “À, để vẽ tranh…”. Người không biết thì lắc đầu khó hiểu, người biết ông và ít nhiều đồng cảm với tình yêu nghệ thuật trong ông không khỏi nghĩ thầm: “Nghệ nhân Lữ Ngọc Năm chắc lại có thêm niềm say mê mới”.

Không tìm thấy trong phòng tranh của ông những cọ, sơn mài hay màu nước; chỉ gặp vô số con ốc rút bé nhỏ nhiều màu sắc và vài bản vẽ phác thảo bằng bút chì trên khung gỗ mỏng. Nghệ nhân Lữ Ngọc Năm vốn không phải là họa sĩ. Ông được biết đến ở Hội An bởi những tác phẩm tạo hình cây khô tài hoa mà theo ông “chỉ để vui thú điền viên”. Thú vui rong chơi nghệ thuật bên ngoài sự kiếm tìm sáng tạo luôn ẩn chứa trong lòng người nghệ nhân, một ngày nọ, đã giúp ông tìm được phương thức tạo hình mới: dùng ốc ghép tranh. Ốc được đem về phân loại theo kích thước, màu sắc và trở thành chất liệu tạo hình duy nhất. Ông lựa chọn từng con ốc ghép thành tranh, sử dụng độ xoắn, hình vòng cung và cả những khoảng trống bé nhỏ trong thân ốc để tạo nên bức tranh ba chiều sống động với màu sắc nguyên thủy của vỏ ốc. Từ ngày phát hiện ra vai trò đặc biệt của ốc, ông trở thành họa sĩ nghiệp dư cho thú chơi tranh độc đáo của mình. Chất liệu thuần túy thiên nhiên hòa hợp với nét vẽ không bị gò bó bởi bất kỳ một công thức, trường phái nào đã cùng ông làm những cuộc rong chơi mới. Ở đó, nghệ thuật không dùng phương tiện công nghiệp, nhân tạo để chuyển tải đời sống; mà chính tác phẩm là đời sống hiển hiện. Những con ốc thoảng mùi sông nước, gợi nhớ day dứt một miền tuổi thơ bên sông có sức truyền dẫn lạ lùng tâm hồn người xem tranh, bởi họ đã gọi được về nguồn cảm xúc tinh khôi gắn liền với thời thơ ấu lúc nào cũmg neo giữ trong lòng…

“Thấy mấy con ốc đẹp quá, đem bỏ hết thì tiếc…” Người nghệ nhân chỉ nói như thế về sự sáng tạo và thể nghiệm độc đáo từ ốc đã được Bộ Văn hóa Thông tin cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả, nhưng từ những cái còn lại, bỏ đi, những gì đã qua, đã là quá khứ để tái tạo lại vẻ đẹp của đời sống hiện tại là cả một triết lý. Vẻ đẹp trên tranh ốc của ông là dáng vẻ của quê hương và con người Hội An, cảnh Tháp Chàm Mỹ Sơn, chùa Một Cột, là những phút giây ngẫu hứng với cảnh người mẹ bồng con, hình ảnh năm cô con gái yêu thương của ông, đặc biệt là những bức tranh vũ điệu tình yêu nổi bật mảng hình khối sắc nét. Hằng ngày, ông cặm cụi ngồi bên giá ghép, chăm chút từng nét vẽ, chọn từng con ốc để tạc lại vĩnh viễn hình ảnh cuộc sống và con người. Góc phòng này là dáng ngồi của ông bán xíu mà quen thuộc với người dân Hội An- như một dấu hỏi in trên trời chiều “những người muôn năm cũ…”, đằng kia là cảnh biển Cửa Đại xôn xao nhịp sống trẻ trung với màu xanh ngắt của nước, trời và núi, kia nữa là bức tranh kể về truyền thuyết tình yêu còn chưa hoàn tất nhưng đã mở ra nhiều lớp liên tưởng bởi ánh ráng chiều hồng rực lên phía chân trời…

Mùa xuân này, tranh ốc cùng ông đón tết ở hội chợ xuân. Những con ốc thổi hồn vào tranh lại sẽ gửi vào điều đang tới vẻ đẹp lặng thầm của cái đã qua trong niềm hân hoan về cuộc sống vô cùng…

(Báo Quảng Nam Xuân – Lâm Uyên)