NGƯỜI CHƠI TRANH ỐC Ở PHỐ HỘI

Ngôi nhà chúng tôi tìm đến nằm sâu trong căn hẻm đường Phan Châu Trinh – TX Hội An (Quảng Nam), nơi nay có một người mà giờ đã khá nổi tiếng, chí ít thì với người dân Hội An. Người vẽ tranh bằng vỏ ốc ruốc. Với tính hiếu khách của người Hội An và sự điềm đạm của một người đã có tuổi, ông kể với chúng tôi về cơ duyên đã đưa mình đến với loại hình nghệ thuật này. Tự hào nhưng không phô trương khi nói về bản thân và những đứa con tinh thần của mình.  Ông chính là Lữ Ngọc Năm – người đặt bút ghi vào trang sách nghệ thuật tạo hình Việt Nam đương đại một cái tên mới: Tranh ốc

Nơi ta gửi chút tình

Cũng là tranh nhưng những tác phẩm của ông Năm không được tạo thành từ các chất liệu màu và không hề có một nét cọ, tất cả chỉ bằng những vỏ ốc nhỏ xíu với đủ các màu sắc. Vỏ ốc – cái mà người ta vẫn cho đó là thứ vứt đi nhưng qua bàn tay tài hoa và bằng sự cảm nhận tinh tế, ông Năm đã biến chúng trở nên có hồn khi tạo ra những bức tranh. Và đó là nơi ông gửi gắm tình cảm của người con dành cho quê hương, của người chồng dành cho vợ, người cha đối với các con và của một người bạn đối với bằng hữu.

Ông Năm nói: “Tác phẩm đầu tiên chú làm chính là bức “Chùa Cầu”. Bởi Chùa Cầu là nét đặc trưng và tiêu biểu cho phố cổ Hội An. Trong cái gia sản tranh ốc với khoảng 60 bức mà ông Năm đã làm thì 2/3 trong số ấy được thể hiện về cuộc sống, con người phố Hội. Nhìn bức tranh “Chùa Cầu” được ông thể hiện sắc nét trong từng hoạ tiết mới thấy hết được cái tình của một người đã gắn bó gần trọn một đời với nơi đây. Một chút gì đó vừa giản dị, gần gũi như chính những chiếc vỏ ốc bé tí được xếp chi chit trên bức tranh kia nhưng nó cũng rất lạ, rất cầu kỳ trong mắt người xem. Không chỉ có Chùa Cầu, Hội An còn biết bao nét riêng khác và ông đã đem hết những gì đặc biệt đó vào trong nghệ thuật chọi tranh của mình. Mỗi tác phẩm chính là sự ghi lại một phần quá khứ nay kỷ niệm trong đời ông; từ gánh chè xí mạ của ông già mặc đồ đen nơi góc đường mà ông được ăn từ thuở nhỏ đến những con hẻm nay rêu phong ông vẫn thường hay về tắt mỗi đêm thời còn trai trẻ…Những khung cảnh vốn dĩ đã quá quen thuộc đó đã được ông Năm tỉ mẩn ghi lại bằng những con ốc bé nhỏ nay sắc màu để trân trọng và lưu giữ một phần ký ức của mình. Oâng sợ rằng một ngày nào đó những dấu xưa ấy sẽ mất đi…

Nghề chơi cũng lắm công phu

Ý tưởng làm tranh bằng vỏ ốc ruốc – khởi đầu cho một hình thức tạo hình mới – tranh ốc bắt đầu hình thành trong ông từ những lần thấy vợ con mua về ăn. Ông Năm kể “ Mới đầu chỉ có ý định làm thử cho vui nhưng khi bức Chùa Cầu làm xong thì mọi người đều thấy đẹp nên động viên ông làm tiếp. Để bắt tay vào làm bức tranh “Chùa Cầu, (khổ 1×0,7m) đó phải mất gần hai thúng ốc vỏ (khoảng 60 lon sữa bò) mới lựa đủ số ốc có màu cần thiết cho bức tranh, thời gian làm khoảng 20 ngày miệt mài. “Nguyên liệu làm tranh ốc cũng không phải dễ, ông Năm phải thu gom mua lại vỏ ốc ruốc từ những công nhân vệ sinh, sau đó đem ra sông ngâm (1 ngày) để tầy rửa. Tiếp theo là phơi khô khoảng 2- 3 ngày rồi cho vào bao cột chặt để khoảng 10 ngày cho hết mùi nồng của vỏ ốc. Sau đó mới đem lựa riêng theo từng màu, từng cỡ lớn nhỏ rồi mới có thể lên tranh, chất liệu làm tranh chủ yếu vẫn là gỗ, vải và ốc. Cái khó nữa là các màu chủ đạo của vỏ ốc như đen, vàng, trắng, đỏ, hồng…rất ít nên khi phối màu phải thật tỉ mẩn, công phu mới có thể cho ra một tác phẩm đúng ý đồ của mình. Nghề chơi này chỉ nhận những người sáng tạo có óc thẩm mỹ và đặc biệt phải tỉ mẩn, nghiêm khắc với chính công việc mình đang làm.

Niềm hạnh phúc đối với ông Năm là những tác phẩm tranh ốc của ông đã được đăng ký chứng nhận bản quyền. Loại hình nghệ thuật mới này sẽ mang lại cho Hội An và người dân nơi đây một sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới. Bên cạnh đó, Trung tâm Văn hoá thông tin thị xã Hội an cũng đã tạo điều kiện để tranh ốc của Lữ Ngọc Năm được ra mặt công chúng trong dịp tết vừa qua. Sắp đến, thị xã sẽ có những hỗ trợ cụ thể hơn để phát triển, nhân rộng nghề làm tranh ốc nhằm phục vụ cho việc khai thác du lịch tại địa phương.

Nguyễn Đình – Mai Lan

(Báo Công An TP Đà Nẵng)