THỔI HỒN VÀO VỎ ỐC

Gọi là “vẽ” tranh bằng vỏ ốc hoặc “làm” tranh bằng vỏ ốc đều đúng với trường hợp của Lữ Ngọc Năm, cư dân của phố cổ Hội An. Dưới bàn tay tài hoa và đầu óc sáng tạo, Năm đã làm cho con ốc ruốc, loại ốc hình tròn, đẹp nhỏ bằng hạt lựu, trở thành một thứ nguyên liệu độc đáo để sử dụng trên các bức tranh phong cảnh, tĩnh vật, chân dung…đủ kích cỡ lớn, nhỏ. Một thứ vất đi trở thành nghệ thuật mới mẻ, có vẻ đẹp, có linh hồn, đã được khai sinh từ một người chẳng phải là hoạ sĩ chuyên nghiệp.

Lữ Ngọc Năm vào “nghề” vẽ tranh bằng vỏ ốc ruốc chỉ mới vài năm khi phát hiện vẻ đẹp riêng tư, tự nhiên của loài nhuyễn thể có vỏ cứng này. Hoạ sĩ đã tự hỏi: “Tại sao người ta vẽ tranh bằng xé giấy dán được, bằng vỏ trứng được, bằng lá khô được, bằng cát được, mà mình lại không thể vẽ tranh bằng vỏ ốc ruốc?” thế là ở tuổi tri thiên mệnh, gã mày mò làm nghệ thuật bằng thứ chất liệu ngẫu nhiên chợt khám phá ra.

Hoạt động đã vài năm nhưng ít người biết đến có một loại tranh mang tên là “tranh vỏ ốc ruốc”, đơn giản vì Lữ Ngọc Năm chưa mở một cuộc triển lãm đúng tầm vóc để trình làng với người xem. Hỏi vì sao, hoạ sĩ cười: “Chừng đủ 100 bức ra mắt một thể cho tiện”. Tuy vậy, vẫn có nhiều người biết tiếng tăm, tìm đến mua tranh nên trong nhà Năm ít khi có đủ vài chục bức.

Cái khó của vẽ tranh bằng vỏ ốc theo Lữ Ngọc Năm không phải khi sáng tạo trên khung, mà ở công đoạn thu gom và xử lý nguyên liệu. Oác ruốc ở Hội An không phải có quanh năm mà theo mùa, một mùa ốc chỉ từ 1 – 2 tháng, đó là thời gian người vẽ tranh bằng ốc lo mua tích trữ để có vật liệu vẽ suốt năm. Vỏ được đem ra sông, bỏ lên rây sàng sẩy, xúc rửa nhiều lần cho đến khi không còn gì trong vỏ để tránh hôi hám, xong phơi cho khô ráo, phun thuốc và lựa theo từng màu. Ốc ruốc rất ít màu, đa số là màu vàng sẫm, xám, nâu, vì vậy việc thực hiện một bức tranh chân dung cho thật hoàn hảo hoặc một tranh phong cảnh không quá ảm đạm chẳng phải là chuyện dễ dàng. Cò người “cố vấn” nên nhuộm ốc để có thêm các màu cần thiết, nhưng Năm từ chối vì “con ốc nhuộm sẽ mất đi vẻ đẹp tự nhiên, hơn nữa chất thuốc nhuộm làm mục vỏ ốc”

Những bức tranh vỏ ốc rất sống động, thần thái, nhìn vào như bị thôi miên, bị thu hút không rời do vẻ đẹp óng ả của vỏ ốc. Trong các bức tranh Chùa Cầu, biểu tượng của phố cổ và các con hẻm rêu phong, nét đặc thù của phố cổ, người ta tưởng chừng các bức tranh này có vị mặn của biển cả từ vô số vỏ ốc can nạm trên tranh. Giá trị của bức tranh vỏ ốc không chỉ là nghệ thuật, mà còn ở sự công phu. Một bức tranh từ khi bắt đầu cho đến lúc hoàn thành phải mất trên một tháng, nếu tranh có kích thước từ 1mx 1,5m phải mất vài tháng nhưng giá thành phải chăng, nếu đem chia cho số ngày thực hiện thì chỉ bằng tiền công của một người thợ hồ. “Chẳng hề chi! Vì có cái sướng là mình được thổi hồn cho ốc”. Lữ Ngọc Năm cười hà hà giải thích.

Ngoài sáng tác, thực hiện tranh của khách đặt hàng, hiện tại Lữ Ngọc Năm cho vỏ ốc ruốc tiến thêm một bước nữa: Vẽ tranh vỏ ốc trên các lọ cắm hoa, các độc bình tự tạo có cái cao hơn 1 m…để giới thiệu với du khách đến tham quan Hội An một loại hình nghệ thuật mới mẻ của phố cổ mà nguyên liệu được lấy lên từ lòng biển.

Thái Trần

(Báo Bình Dương)